Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Ông Vũ Mão góp ý về Điều 4 Hiến pháp sửa đổi

"Sau Hiến pháp sẽ tiến hành xây dựng Luật về sự lãnh đạo của Đảng. Tôi nghĩ rằng, nếu có sự bổ sung theo hướng này thì sẽ đạt tới sự “kỳ vọng” của nhân dân", đó là chia sẻ của ông Vũ Mão, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên.


Người dân “chờ đợi”, trách nhiệm Ban lãnh đạo nặng nề hơn.

Thưa ông, thời điểm hiện nay, cả nước đang rất quan tâm đến việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp. Ông có nhìn nhận, đánh giá gì về không khí dân chủ cũng như quy mô đợt lấy ý kiến lần này?

Nói về chủ trương lấy ý kiến của nhân dân để sửa đổi Hiến pháp là rất đúng đắn và cần thiết. Hiện nay cũng có nhiều đề xuất, sáng kiến mới để đóng góp công cuộc sửa đổi Hiến pháp. Điều đó chúng ta ghi nhận và hoan nghênh. Tuy nhiên, để nói cụ thể lần này có gì mới không thì tôi không là người trong cuộc của lần sửa đổi Hiến pháp này nên tôi không thể nhận xét kỹ. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ tổng quát thì nó cũng tương tự như lần lấy ý kiến năm 1992. Người dân đều mong muốn, chờ đợi, hy vọng vào sửa đổi Hiến pháp lần này.

Ông Vũ Mão, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội. Ảnh internet


Tuy nhiên, dưới góc độ cá nhân, tôi thấy lần lấy ý kiến sửa đồi Hiến pháp năm 1992 không khí lòng dân hồ hởi phấn khởi hơn lần sửa đổi Hiến pháp lần này. Vì sao tôi nói như vậy? Vì có 2 yếu tố mang tính lịch sử ảnh hưởng đến vấn đề này.
Thứ nhất, chúng ta có một sự tiến bộ rất nhanh sau Nghị quyết Đại hội VI. Câu nói quan trọng trong đại hội VI  mà chúng tôi vẫn nói với nhau: “Đổi mới hay là chết”. Không khí đó cũng truyền cho người dân. Một không khí cởi mở háo hức. Một niềm tin được dâng lên rất cao trong tình hình lúc đó. Ai cũng muốn góp sức mình vào công cuộc đổi mới của đất nước.
Thứ hai, tình hình lúc đó, cuộc sống của nhân dân từ chỗ khó khăn trong  thập kỉ 80 sang đầu thập kỉ 90, cuộc sống của người dân khấm khá hơn; từ chỗ thiếu lương thực, nước ta đã bắt đầu xuất khẩu gạo. Niềm tin vào sự đổi mới, vào tương lai cuộc sống đang lên cao.
Chính vì hai lý do trên mà không khí lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm đó phấn khởi hào hứng hơn bây giờ. Tuy nhiên, tình thế hiện nay cũng có những điểm khác biệt,  người dân bây giờ chờ đợi, mong muốn một cái gì cụ thể. Hay nói một cách khác, lần sửa đổi Hiến pháp này, tâm lý của người dân chờ đợi có những bước tiến mới. Như vậy, lần sửa đổi Hiến pháp này, trách nhiệm của Ban lãnh đạo nặng nề hơn, trách nhiệm ấy là đáp ứng mong mỏi của người dân.
"Tôi  sẽ rất kỳ vọng, nếu Điều 4 Hiến pháp có thêm một cụm từ..."
Xin phép được hỏi ông, từ quan điểm cá nhân, ông có kỳ vọng điều gì từ lần sửa đổi Hiến pháp này?

Tôi muốn dùng từ “mong đợi” thay vì  từ “kỳ vọng” để nói về suy nghĩ thực của mình. Anh biết đấy, “kỳ vọng” có ý nghĩa cao hơn “mong đợi”.
Theo ông, Dự thảo Hiến pháp mới có thay đổi gì làm ông tâm đắc nhất?
Qua phát biểu của các nhà phân tích và của các luật gia thì có rất nhiều điều đổi mới trong Dự thảo Hiến pháp lần này. Tôi thấy tâm đắc nhất là Điều 54 được sửa đổi từ các điều 15, 16, 19, 20, 21, 25. Đây là thay đổi mạnh nhất trong dự thảo Hiến pháp. Tại điều 54, Dự thảo Hiến pháp mới đã viết gọn lại và thể hiện khá rõ vấn đề bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, phù hợp với thực tiễn. Thực tế vừa qua, các thành phần kinh tế khác ngoài quốc doanh tuy chưa được tạo điều kiện một cách đầy đủ mà đã được phát huy tương đối tốt, đem lại thêm của cải cho xã hội, cho ngân sách Nhà nước.

Mặt khác, việc “cưng chiều” thành phần kinh tế Nhà nước thái quá, đặc biệt  các Tập đoàn kinh tế, dẫn đến tình trạng “xin cho”, tham nhũng, thua lỗ, “cha chung không ai khóc”, “vơ vét cá nhân”... Tôi rất đồng tình, rất thích với sửa đổi ở điều này. Nó thể hiện tư duy đổi mới.
Nếu được góp ý bổ sung vào Dự thảo Hiến pháp mới, ông mong muốn bổ sung nhất vào điều nào?
Điều mà tôi mong muốn được bổ sung là Điều 4 của Dự thảo Hiến pháp mới. Tại đây, đã bổ sung thêm “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình”. Tôi cho rằng thay đổi như vậy là cần thiết nhưng chưa đủ. Hiến pháp hiện hành đã quy định: “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Câu này đã bao hàm cả nghĩa Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Tôi đồng tình với việc nói rõ nội dung này nhưng không nên đưa ra thành khoản 2 độc lập. Hơn nữa, điều quan trọng hơn là cơ chế nào để đảm bảo cho việc giám sát của nhân dân và cơ chế nào đảm bảo cho việc Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Nếu không thiết kế đầy đủ vấn đề này thì nó sẽ “tuột” đi. Do đó, tôi đề xuất phương án sửa khoản 2 Điều 4 như sau:
“2. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân; việc  giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình, do luật định.”
Viết như vậy có nghĩa là, sau Hiến pháp sẽ tiến hành xây dựng Luật về sự lãnh đạo của Đảng. Tôi nghĩ rằng, nếu có sự bổ sung theo hướng này thì sẽ đạt tới sự “kỳ vọng” của nhân dân.
Vậy trong tất cả những điều của Hiến pháp 1992, ông mong muốn sửa đổi điều nào nhất mà Dự thảo chưa sửa?
 Tôi nghĩ là điều 57. Điều 57 (sửa đổi, bổ sung Điều 17, Điều 18):
“Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật”.
Về hình thức đã rút gọn nhưng theo tôi cần sửa đổi theo hướng quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh đã thể hiện trong Hiến pháp năm 1946 và được cụ thể hoá hơn trong Hiến pháp năm 1959. Cả 2 bản Hiến pháp này đều gián tiếp hoặc trực tiếp công nhận đa sở hữu về đất đai.
Ngoài những điều kể trên, ông muốn góp ý thêm gì cho bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này?
Tôi thấy bản Dự thảo Hiến pháp cũng có nhiều điểm mới như về quyền con người, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia... Đó là những điều mới. Tuy nhiên, với thiết chế Chủ tịch nước cho dù đã có sửa nhưng theo tôi cái sửa này vẫn chưa cơ bản, chưa đủ. Hiến pháp năm 1992 quy định nhiệm vụ quyền hạn Chủ tịch nước có 12 khoản, nhưng Dự thảo mới gộp lại thành 6 khoản mà mỗi khoản lại “ôm đồm” quá. Theo tôi, điều quan trọng nhất về vai trò của Chủ tịch nước là cần có quy định để triển khai theo phương án Tổng Bí thư của Đảng là Chủ tịch nước. Đó mới là thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Điều 4 về sự lãnh đạo của Đảng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Chuyên/infonet